Lịch sử Gò_Công_Tây

Vùng đất này trước đây thuộc tỉnh Gò Công, tuy nhiên cũng có thời kỳ thuộc huyện Gò Công, tỉnh Mỹ Tho.

Trong giai đoạn 1957-1968, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt huyện Gò Công trực thuộc tỉnh Mỹ Tho. Đến tháng 8 năm 1968, huyện Gò Công lại được chính quyền Cách mạng tách ra khỏi tỉnh Mỹ Tho để thành lập tỉnh Gò Công. Vùng đất Gò Công Tây ngày nay khi đó tương ứng với huyện Tây thuộc tỉnh Gò Công trong giai đoạn 1968-1976.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt huyện Tây thuộc tỉnh Gò Công cho đến đầu năm 1976.

Tháng 2 năm 1976, vùng đất này trở thành một phần của huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang cho đến năm 1979.

Ngày 26 tháng 03 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 77-CP[2] về việc chuyển thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang thành thị trấn Gò Công, huyện lỵ của huyện Gò Công.

Ngày 13 tháng 04 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 155-CP[3] về việc chia huyện Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang thành huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây.

Huyện Gò Công Tây gồm có 15 xã: Bình Nhì, Thạnh Nhựt, Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Yên Luông, Bình Tân, Bình Phú, Thành Công, Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Long Bình, Thạnh Trị và thị trấn Vĩnh Bình.

Ngày 16 tháng 02 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam ban hành Quyết định số 37-HĐBT về việc thành lập thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang. Theo đó, thành lập thị xã Gò Công trên cơ sở thị trấn Gò Công, một phần diện tích, dân số của xã Tân Đông; một phần diện tích, dân số của xã Bình Nghị với tổng diện tích tự nhiên 2.207 hécta cùng 40.115 nhân khẩu của huyện Gò Công Đông, một phần diện tích, dân số của xã Yên Luông; một phần diện tích, dân số của xã Thành Công với tổng diện tích tự nhiên 893 hécta với 7.843 nhân khẩu của huyện Gò Công Tây.

Ngày 23 tháng 12 năm 1988, tách một phần đất của xã Thạnh Trị nhập vào xã Yên Luông, một phần đất của xã Bình Phú nhập vào xã Thành Công.

Ngày 14 tháng 01 năm 2002, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 07/2002/NĐ-CP, về việc thành lập xã thuộc các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Theo đó, thành lập xã Tân Thạnh thuộc huyện Gò Công Tây trên cơ sở 1.134,32 ha diện tích tự nhiên và 2.836 nhân khẩu của xã Tân Phú; 550,2 ha diện tích tự nhiên và 1.769 nhân khẩu của xã Tân Thới; 552,51 ha diện tích tự nhiên và 358 nhân khẩu của xã Phú Thạnh.

Ngày 21 tháng 01 năm 2008, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 09/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây để mở rộng thị xã Gò Công và thành lập huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang như sau:

  • Điều chỉnh 6.410,28 ha diện tích tự nhiên và 39.949 nhân khẩu của huyện Gò Công Đông (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Bình Đông, Bình Xuân và Tân Trung); 580,72 ha diện tích tự nhiên và 2.238 nhân khẩu của xã Thành Công thuộc huyện Gò Công Tây về thị xã Gò Công quản lý.
  • Điều chỉnh 580,72 ha diện tích tự nhiên và 2.238 nhân khẩu (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Thành Công thuộc huyện Gò Công Tây được điều chỉnh về thị xã Gò Công) về xã Bình Xuân thuộc thị xã Gò Công quản lý.
  • Thành lập huyện Tân Phú Đông thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở điều chỉnh 8.632,88 ha diện tích tự nhiên và 33.296 nhân khẩu của huyện Gò Công Tây (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Tân Thạnh); 11.575,43 ha diện tích tự nhiên và 9.630 nhân khẩu của huyện Gò Công Đông (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Phú Đông và xã Phú Tân).

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập huyện Tân Phú Đông, huyện Gò Công Tây còn lại 18.017,34 ha diện tích tự nhiên và 134.768 người, có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Yên Luông, Thành Công, Đồng Sơn, Bình Phú, Long Vĩnh, Bình Nhì, Thạnh Trị, Đồng Thạnh, Bình Tân, Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu, Long Bình và thị trấn Vĩnh Bình.